Hiện tượng viền tím trong nhiếp ảnh
Chắc hẳn các bạn thường hay chụp ảnh từng thắc mắc rằng: Tại sao trên bức ảnh của mình lại có vùng màu tím xuất hiện ở ven rìa của chủ thể? Bài viết này giải thích tại sao các vùng màu tím đó và cách khắc phục.
Hiện tượng viền tím là gì?
Hiện tượng viền tím được gọi là quang sai hay chính xác hơn là sắc sai, xảy ra khi ánh sáng trắng đi qua hệ thấu kính của ống kính bị sai lệch trở thành một chùm ánh sáng với sự phân tách các lớp màu chuyển dần từ đỏ sang tím. Nguyên nhân là do ánh sáng trắng là tập hợp của 7 màu cơ bản (Đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím) có bước sóng khác nhau và khi khúc xạ qua lăng kính hoặc thấu kính chúng sẽ có các sai lệch khác nhau, và không hội tụ trùng một điểm trên mặt phẳng nét, đó chính là sự tán sắc thành dãy quang phổ hội tụ ngoài điểm ảnh nét..
Hiện tượng này làm cho hình ảnh thu được có viền mờ có màu biến thiên từ đỏ đến tím (màu đỏ - đỏ tươi - xanh lục - xanh dương - vàng - tím), thực ra nó xảy ra trên toàn bộ ảnh thu được nhưng ta có thể thấy rõ nhất tại mép ảnh. Hiện tượng này xuất hiện càng nhiều khi bức ảnh được chụp trong hoàn cảnh nguồn sáng và đối tượng có sự tương phản sáng cao.
Bạn có thể nhìn thấy có một vùng màu tím xuất hiện dọc theo rìa của cánh tay trái, rìa áo phía trước, trên một phần tóc và trên viền gỗ của cây cầu. Tấm ảnh này bị viền tím ở mức độ nhẹ
Ngoài các tia sáng đó, các tia sáng nằm ngoài dãy quang phổ như tia tử ngoại (UV) và tia hồng ngoại (IR) là loại tia sáng có độ tán sắc cực mạnh gây ra hiện tượng mờ nhoè hình ảnh, do sự giao thoa của chúng với các tia sáng trong dãy quang phổ kể trên. Bình thường, mắt người không thấy được các tia tử ngoại và hồng ngoại, nhưng bề mặt phim trong máy chụp phim hay cảm biến ảnh trong máy ảnh số thì rất nhạy với hai loại tia sáng này.
Có mấy loại viền tím?
Có hai loại "viền tím" với đặc điểm khác nhau và nguyên nhân khác nhau
- Một loại là được gọi là “bokeh viền ảnh” hay còn gọi là sắc sai trục dọc, viền tím xảy ra khi các tia sáng có bước sóng khác nhau khi đi qua ống kính không hội tụ tại một điểm trên mặt phẳng nét và thậm chí chúng nằm ở vị trí trước hoặc sau điểm nét nhưng đều trên trục tiêu cự. Viền tím xuất hiện xung quanh đối tượng ảnh, và chuyển dần màu tím cả vùng trung tâm, dẫn đến chủ thể xuất hiện một lớp mờ mờ, soft soft và biên của chủ thể xuất hiện một quầng màu tím bao quanh. Loại viền tím này thường có trong ảnh chụp bởi ống kính mở khẩu lớn, kể cả ống kính cao cấp đắt tiền. (Xem hình 2)
- Loại thứ hai gọi là sắc sai trục ngang, xảy ra khi các tia sáng có bước sóng khác nhau khi qua ống kính thì tập trung tại các vị trí ở cùng trên mặt phẳng nét nhưng bị phân tán không tại một điểm chung. Khác loại viền tím trên, loại này không xuất hiện ở trung tâm mà nằm ở ven góc của khung ảnh thuộc vùng có tương phản sáng cao và phổ biến với sắc xanh hoặc tím. Loại này thường có trong ảnh chụp bởi ống kính góc rộng hoặc chất lượng kém. (Xem hình 3)
Hình 1: ống kính hoàn hảo
Hình 2: Loại sắc sai "bokeh viền ảnh" / quang sai trục dọc
Hình 2: Loại sắc sai "bokeh viền ảnh" / quang sai trục dọc
Hình 3: Loại sắc sai bên cạnh / quang sai trục ngang
Hình 3: Loại sắc sai bên cạnh / quang sai trục ngang
Vậy, phải chăng chất lượng ống kính tốt thì triệt tiêu viền tím?
Trước tiên, một điều phải nói ngay là hiện tượng viền tím hay quang sai không phụ thuộc vào cảm biến ảnh mà hoàn toàn 100% là từ ống kính. Dẫu là máy ảnh có cảm biến FullFrame hay Crop khi chụp trên cùng một ống kính thì hiện tượng viền tím hay quang sai có thể là như nhau.
Hiện tượng viền tím - quang sai là hiện tượng hiển nhiên khi ánh sáng đi qua ống kính trước khi hình thành ảnh trên bề mặt film hay cảm biến ảnh. Giảm thiểu hiện tượng này là do nhà sản xuất đầu tư công thức và chế tạo lớp tráng phủ phù hợp cho hệ thấu kính trong ống kính của riêng từng hãng. Một ống kính tốt gồm các thấu kính được chế tạo có tính chất đặc biệt nhằm giảm hiện tượng quang sai, nghĩa là sẽ tập trung được tất cả các tia sáng có bước sóng khác biệt nhau tại một điểm, hạn chế tối thiểu các tia sáng có điểm hội tụ sai lệch. Ống kính được trang bị những thấu kính tăng độ sắc nét và giảm hiện tượng quang sai thì hiện tượng viền tím - quang sai được giảm thiểu. Trong ký hiệu của các hãng sản xuất, các thấu kính có đặc tính này được Canon gọi là UD, Nikon gọi là ED, Tamron gọi là LD, Sigma gọi là APO/SLD…
Nhà sản xuất ống kính luôn cố gắn tìm cách giảm hiện tượng quang sai trên sản phẩm
Nhưng sự triệt tiêu viền tím tại độ mở ống kính lớn trong hoàn cảnh ánh sáng có cường độ tương phản mạnh thì vẫn tồn tại ít nhiều kể cả với các ống kính góc rộng Nano hay L và kể cả của hãng Leica hay CZ. Chính vì vậy, không phải cứ ống kính chỉ đỏ L hay Nano hay bất kỳ thương hiệu danh giá nào thì sẽ hết hẳn viền tím. Ống kính đắt tiền của Canon 35mm f/1.4L bị viền tím tại độ mở f/1.4 và khép đến f/2 mới giảm thiểu, hay như Nikon 35 f/1.4G và cả ống zoom góc rộng 14-24mm f/2.8 Nano cũng thế. Chỉ là viền tím ở mức độ ít hoặc nhiều tuỳ chất lượng ống kính mà thôi!
Giải pháp giảm thiểu hiện tượng viền tím - quang sai là gì?
- Lựa chọn ống kính có cấu trúc lớp tráng phủ đặc biệt nếu có thể.
- Che chắn ống kính bằng hood để giảm bớt tia sáng xiên.
- Di chuyển máy ảnh thay đổi góc khác để tránh nguồn sáng trực diện hoặc xiên góc.
- Hậu kỳ chỉnh sửa phần nào.
- Khép khẩu là cách thông dụng và hiệu quả. Hiện tượng viền tím thường xảy ra ở khẩu độ lớn với mọi ống kính và giảm dần khi khép khẩu. Khi hết viền tím cũng là khi kết quả ảnh có độ chi tiết tốt nhất.
Tại sao hầu hết Smartphone đều bị viền tím khá nhiều?
Ống kính của camera phone có khẩu độ cố định, trong mọi tình huống ánh sáng, có thể hiệu chỉnh tự động hoặc manuel các thống số khác như tốc độ màn trập, iso nhưng độ mở ống kính là không thay đổi, chính vì vậy hiện tượng viền tím rõ rệt khi chụp ảnh ngược sáng hoặc nguồn sáng xiên có cường độ mạnh.
Ống kính của camera phone không được che chắn bằng hood, các tia sáng xiên “ngoài ý muốn” đi qua hệ thấu kính nhiều và hiện tượng viền tím dễ dàng xuất hiện.