Ghi lại cuộc sống qua nhiếp ảnh phóng sự
Khởi nghiệp với tư cách là cộng tác viên cho trang The Straits Times vào năm 2007, đến nay, phóng viên ảnh Joseph Nair đã ghi lại những sự kiện nổi bật nhất ở châu Á, từ Á vận hội 2014 tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc cho tới cuộc Tổng tuyển cử của Singapore vào năm 2011. Chính chiếc máy ảnh Nikon SLR cũ của cha anh đã khơi nguồn cảm hứng cho Joseph để từ đó tình yêu với nhiếp ảnh trong anh dần nảy nở dẫu cho có một vài bước đi sai lầm. Anh hồi tưởng lại thời đi học: “Tôi nhớ ông ấy (giáo viên nghệ thuật của tôi) quẳng 20 cuộn phim đầu tiên trong đời mình vào thùng rác và nói với tôi rằng đó là nơi dành cho chúng”.
Hiện nay, công việc của anh chủ yếu tập trung vào lịch thi đấu các môn thể thao. Anh chụp mọi thứ từ các trận gôn đến bơi lội và các cuộc đua xe công thức 1 diễn ra vào ban đêm với tư cách là cộng tác viên của Hiệp hội báo chí và trang Business Times.
© Joseph Nair
SÁNG TÁC MỘT CÂU CHUYỆN HAY
Joseph cho rằng “Lý tưởng thì tấm ảnh nên chứa đựng những khoảnh khắc ấn tượng, có sự cân bằng giữa thông tin hình ảnh và cảm xúc.” Nhiếp ảnh tin tức thường đòi hỏi tính kịch và bối cảnh mang tính biểu tượng. Song, Joseph cảm thấy điều này hiếm khi phản ánh đúng cuộc sống thực tế và vì thế đôi lúc anh tìm kiếm sự cân bằng trong những khoảnh khắc tĩnh lặng và bất ngờ. Xây dựng được một câu chuyện hay sẽ đưa khán giả bước vào hành động trong tin tức và khơi gợi cảm xúc như thể chính họ đang trực tiếp trải qua sự kiện đó.
Trong kỷ nguyên báo chí số, hình ảnh được kết hợp với đồ họa văn bản và video nhằm tạo ra trải nghiệm đầy mê hoặc cho độc giả. Phần mô tả ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp độc giả hiểu được các vấn đề trong bức hình, đồng thời cung cấp bối cảnh cho người đọc. Cách trình bày các bức ảnh cũng có thể tác động tới cách truyền tải câu chuyện tới độc giả. Dù kéo chuột từ trái sang phải, từ trên xuống dưới hay lướt qua một thư viện ảnh tương tác thì bố cục trình bày cũng định hình dòng chảy câu chuyện trong tâm trí người đọc. Joseph quan niệm rằng một bức hình dù tuyệt vời đến mấy cũng sẽ chẳng có giá trị nếu câu chuyện trong đó không được kể một cách hiệu quả.
© Joseph Nair
CUỘC SỐNG THĂNG TRẦM
Với Joseph, điểm tuyệt vời nhất trong công việc của anh là bản chất xã hội của nó. Anh chia sẻ: “Tôi rất thích được gặp mọi người, phần tuyệt vời nhất của công việc này nằm ở vô số cuộc đối thoại và sự kết nối với con người, dẫu chỉ là thoáng chốc.” Anh hi vọng chính những cảm xúc con người này - điều mà anh trải nghiệm và dẫn dắt vào trong các bức ảnh của mình - sẽ giúp khơi gợi sự kết nối với người xem.
Tuy nhiên, anh cũng cho biết thêm rằng đây là một ngành không ổn định. Do lượng độc giả đọc tin suy giảm trên toàn thế giới nên ngân sách dành cho mảng tin tức đang bị thu hẹp và các công ty truyền thông cũng thường nắm luôn bản quyền các bức ảnh mà họ giao cho các phóng viên ảnh chụp. Điều này thường gây ảnh hưởng tới thu nhập của phóng viên ảnh, buộc họ phải làm thêm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
© Joseph Nair
NHIẾP ẢNH PHÓNG SỰ: NGHIỆP CHỨ KHÔNG PHẢI NGHỀ
Với các phóng viên ảnh muốn bắt đầu sự nghiệp thì sự tò mò, đọc rộng cùng với những kĩ năng như thiết kế web và video rất hữu dụng. Joseph chia sẻ: “Đừng sợ thất bại và hãy làm việc thật chăm chỉ. Lao động là vinh quang.” Nhiếp ảnh phóng sự là một công việc thời vụ chứ không phải việc làm hay công việc mang tính thường xuyên. Và theo Joseph thì “nếu bạn được gọi, hãy đồng ý nhận việc.”
Nguồn: nikon.com.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét