5 sự thật về máy ảnh số có thể bạn chưa biết
Cuộc sống có rất nhiều sự thật sai lầm mà chúng ta vẫn tin sái cổ cho đến khi được khoa học chứng minh. Một ví dụ đơn giản là việc chúng ta vẫn nghĩ bò tót có thù hằn với màu đỏ nhưng sự thật là bò tót là loài mù màu và việc chúng nổi điên là do thấy bạn cầm khăn khua trước mặt. Đối với nhiếp ảnh cũng vậy, sau đây là 5 sự thật mà Shop Nhiếp Ảnh muốn đem đến cho bạn.
1 – Thay đổi ISO là thay đổi độ nhạy sáng
Đa phần mọi người hay nhầm lẫn và hiểu rằng ISO chính là độ nhạy sáng của máy ảnh và thay đổi ISO là chúng ta đang thay đổi độ nhạy sáng.
Tuy nhiên, sự thật là máy ảnh số chỉ có duy nhất một độ nhạy sáng xác định, phụ thuộc vào khả năng chuyển hóa ánh sáng thành tín hiệu điện của cảm biến (Quantumn Efficiency – QE). ISO có thể hiểu là một hệ số để máy ảnh tính toán (do firmware tính) tốc độ mở màn chập.
Sau đây là một ví dụ đơn giản: Giả sử bạn đang chụp ở chế độ ưu tiên khẩu độ (Av hoặc A), bạn chọn độ mở khẩu xác định và máy ảnh sẽ đo sáng, sau đó chọn tốc độ màn trập cho bạn. Ban đầu bạn chọn ISO 100, f5.6 và tốc độ màn trập khi ấy là 1/500s. Sau đó bạn thử tăng ISO lên 200 và ngay lập tức tốc độ màn trập sẽ giảm xuống còn 1/1000s. Điều này có nghĩa là bạn đã làm giảm một nửa lượng ánh sáng đi vào cảm biến (như hình trên). Sau đó, máy ảnh sẽ tiến hành quá trình khuếch đại tín hiệu vừa nhận lên gấp 2 lần để đánh lừa “pixel ngây thơ” nghĩ rằng nó đã thu đủ tín hiệu như trường hợp ISO 100.
Như vậy, khi chúng ta tăng ISO vô hình chung đã làm cho lượng ánh sáng thu vào và đồng thời giảm cả Dynamic Range của cảm biến. Quá trình khuếch đại cũng làm tăng số noise và làm ảnh trở nên kém chất lượng.
Để khắc phục điều này các hãng máy ảnh đã cho ra các dòng máy “ISO-invariance” (ISO-less camera) cho phép số noise được giữ nguyên trong quá trình khuếch đại tín hiệu.
2 – Độ sâu màu cao hơn thì ảnh chất lượng hơn
Độ sâu màu (bit depth) là số bit dùng để biểu diễn mỗi pixel trong ảnh. Trong máy ảnh, bit depth liên quan đến độ phân giải của bộ chuyển đổi tín hiệu analog - digital. Bit depth càng cao thì lượng màu sắc mã hóa trong mỗi pixel càng nhiều và sự chuyển tông màu trong ảnh sẽ mượt mà hơn do khi xử lý các file được bóc ra thành nhiều đơn vị thông tin nhỏ hơn.
Các máy ảnh hiện nay sử dụng bộ chuyển đổi A/D 14 bit cho ra 214=16384 mức mã hóa. Vậy nếu bit depth cao cho ra ảnh mượt mà hơn thì tại sao các hãng lại không sử dụng các bộ chuyển đổi cao hơn như A/D 16 bit hay A/D 24 bit? Ngoài việc làm tăng kích thước của một file ảnh thông thường, việc sử dụng các bộ chuyển đổi với số bit cao hơn sẽ gặp một vấn đề liên quan đến noise (nhiễu).
Noise như một kẻ thù tự nhiên, nó xuất hiện ở khắp mọi nơi và đe dọa đến chất lượng ảnh của bạn. Noise có trong ánh sáng khi chúng ta chụp ảnh (shot noise), noise xuất hiện tại các điểm khác nhau ở mạch điện trong quá trình xử lý tín hiệu ảnh (read noise, dark noise…). Nếu chúng ta sử dụng các bộ chuyển đổi với số bit lớn thì khi xử lý tín hiệu sẽ có khả năng chia được thành những phần rất nhỏ, nhỏ hơn cả noise. Do đó quá trình xử lý tín hiệu sẽ không còn chính xác nữa và chất lượng ảnh tất nhiên sẽ không được đảm bảo.
3 – Trường hợp nào cũng tồn tại một thiết lập phơi sáng chuẩn?
Câu trả lời ở đây là không. Tuy nhiên có một thông số các bạn có thể tối ưu hóa là SNR (signal-to-noise ratio).
SNR là tỷ số giữa tín hiệu thu được trên pixel của cảm biến và noise. Ví dụ, một pixel trên cảm biến giữ được 90000 electron và giá trị noise xấp xỉ 30 electron/1pixel, giá trị SNR khi đó sẽ là 3000/1 (tương ứng 70dbs).
Khi chụp ngược sáng các bạn sẽ có các lựa chọn thông số chụp khác nhau tùy theo ý tưởng thực hiện. Có người thấy để mẫu sáng rõ mới là đủ sáng, nhưng có người lại thích nghệ nghệ để chụp theo kiểu Silhouette (Chụp bóng ngược sáng).
Một tấm ảnh đủ sáng hay không đối với mỗi người có thể là nhận định chủ quan nhưng từ góc độ kỹ thuật, bạn nên thiết lập để có SNR tốt nhất có thể (giữ được càng nhiều electron trên pixel càng tốt). Một file ảnh có SNR tốt cho bạn tùy chỉnh hậu kỳ một cách thoải mái hơn. Điều này đặc biệt đúng với những ai theo phong cách chụp ETTR (exposure to the right).
Giải thích điều này cũng khá đơn giản. Thay vì bạn kéo sáng và kéo theo sự gia tăng của noise trong file ảnh, bạn hãy cố gắng thiết lập ban đầu sao cho file ảnh thu được thật nhiều ánh sáng và hậu kỳ giảm bớt sáng để tránh việc làm tăng noise.
4 – Quy đổi tiêu cự ống kính đối với các cảm biến có kích thước khác nhau.
Các bạn hẳn đều biết, nếu máy ảnh có sensor crop 2x (Micro 4/3) sử dụng ống kính 100mm thì để có tiêu cự tương đương trên máy full frame ống kính sử dụng phải là 200mm. Tuy nhiên không nhiều người để ý rằng, độ mở khẩu cũng phải được quy đổi tương ứng để thu được DOF gần giống nhất có thể.
Ví dụ bạn sử dụng Olympus EM-1 với ống kính 100mm với khẩu độ f2.8 thì khi chọn ống kính tương đương trên Canon 5D mark III bạn phải chọn ống kính 200mm với khẩu độ f5.6.
5 – Điểm ảnh lớn hơn đi kèm ảnh chất lượng hơn
Khi chúng ta chụp trong điều kiện thiếu sáng, điều này hoàn toàn đúng do SNR (signal-to-noise ratio) chúng ta thu được cao hơn (pixel lớn giữ được nhiều electron trên bề mặt hơn). Tuy nhiên, khi kích cỡ điểm ảnh tăng lên kéo theo độ phân giải của ảnh sẽ giảm xuống (độ phân giải là số điểm ảnh trên một bức hình). Do đó, một sự thật thú vị là trong trường hợp chụp đủ sáng thì máy ảnh có pixel nhỏ hơn lại cho ra file ảnh có SNR cao hơn.
Cảm biến của các máy ảnh chụp thiên văn thường có kích cỡ điểm ảnh lớn (Kodak KAI 11002 sử dụng trên máy Atik 11000 có kích cỡ 9µM) trong khi cảm biến của các máy DSLR full frame thông dụng thường có kích cỡ điểm ảnh vào khoảng 5-6,5 µM.
Hình ví dụ dưới đây của máy Phase One’s 100MP với cảm biến có kích cỡ điểm ảnh 4,6 µM. Mặc dù kích cỡ điểm ảnh nhỏ nhưng do có kích thước cảm biến lớn chất lượng ảnh vẫn rất cao.
Cùng một tiêu cự, cùng độ mở khẩu, máy ảnh có cảm biến lớn hơn sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn so với các máy cảm biến nhỏ. Nhiều ánh sáng hơn, tín hiệu chuyển hóa trên cảm biến nhiều hơn, SNR cao hơn và ảnh sẽ chất lượng hơn.
Tham khảo từ Petapixel